BỆNH EHP TRÊN TÔM LÀ GÌ?
CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG BỆNH?

Là một trong những loại bệnh xuất hiện khá phổ biến, bệnh EHP trên tôm rất được bà con nuôi tôm quan tâm. Vậy bệnh EHP trên tôm là gì? Mời bà con cùng Bio Blue Việt Nam tìm hiểu về căn bệnh này cũng như cách kiểm tra và phòng bệnh EHP qua bài viết dưới đây.

1. BỆNH EHP TRÊN TÔM LÀ GÌ?

EHP là bệnh vi bào tử trùng, do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei gây ra cho tôm. Vì vậy người ta thường hay gọi ngắn gọn là bệnh EHP.

Ký sinh trùng EHP là vi bào tử trùng ký sinh gây nhiễm trên tuyến gan tụy của tôm. Làm tôm bị chậm lớn, nhiễm trùng mãn tính, nghiêm trọng hơn là tôm chết dù tỷ lệ không cao.

Cấu tạo của một loại ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).
Cấu tạo của một loại ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).

Bệnh EHP không gây chết hàng loạt nhưng cũng nguy hiểm cho tôm thẻ chân trắng. Chúng làm tôm chậm lớn, khó nuôi được về size dưới 100 con/kg, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi tôm. Hiện nay, EHP đang là dịch bệnh nguy hiểm cho tôm trên quy mô cả nước. Nhiều vụ nuôi tôm đang phải thu hoạch sớm, hoặc mất trắng. Nhiều ao tôm tại các địa phương đang bị bỏ trống vì lo sợ thiệt hại. Nhiều hộ nuôi đang e ngại cho việc thả giống vụ nuôi tiếp theo do dịch bệnh EHP trên tôm.


Các ao nuôi nhiễm bệnh EHP có mức độ tăng trưởng trong khoảng từ 10 – 40% so với bình thường. Tôm không chỉ chậm lớn mà kích thước của tôm cũng sẽ không đồng đều. Thông thường, ở ao nuôi có tôm nhiễm bệnh phân trắng sẽ thường được phát hiện nhiễm cả bệnh EHP. Tỷ lệ nhiễm EHP trong các ao xuất hiện bệnh phân trắng lên đến 96%.

Tôm bị nhiễm bệnh EHP, ruột lỏng phân nát.
Tôm bị nhiễm bệnh EHP, ruột lỏng phân nát.

2. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH EHP

EHP là vi bào tử trùng có kích thước rất nhỏ. Các tế bào EHP thường sẽ có kích thước chiều dài khoảng 1μm, chiều rộng khoảng 0,5 – 0,6μm. Mỗi tế bào EHP có 1 sợi cực duy nhất, độ dài khoảng 0,5μm, với 5 – 6 vòng xoắn. Lần đầu tiên Việt Nam phát hiện bệnh do EHP gây ra là trên tôm sú.

Ảnh nhuộm tế bào biểu mô của EHP.
Ảnh nhuộm tế bào biểu mô của EHP.

Các con đường lây nhiễm bệnh EHP trên tôm

  • EHP lây nhiễm cho tôm theo chiều dọc: Từ nguồn bố mẹ sang ấu trùng tôm con.
  • EHP lây nhiễm cho tôm theo chiều ngang:

– EHP lây nhiễm cho tôm từ nguồn thức ăn tươi sống, 2 mảnh vỏ và Artemia,..

– EHP lây nhiễm cho tôm qua môi trường nước ao: Phân tôm, thức ăn dư thừa,..

– Vỏ tôm và ngoại ký sinh (trùng loa kèn, zoothamnium, khuẩn sợi,..) cũng là nguyên nhân làm tôm nhiễm EHP.

Khuẩn sợi và trùng loa kèn bám vào phụ bộ của tôm.
Khuẩn sợi và trùng loa kèn bám vào phụ bộ của tôm.

3. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TÔM NHIỄM BỆNH EHP

3.1 Dấu hiệu chung

  • Tôm sẽ nhảy size chậm, tăng trưởng không đều (10% – 40%) sau 25 – 30 ngày nuôi.
  • Tôm ăn thức ăn không tăng và giảm dần ăn (50% – 70%).
  • Tôm bị EHP, biểu hiện rõ nhất vào giai đoạn 40 – 60 ngày (khoảng 3g – 4g/con).
  • Tôm bị nhiễm EHP nặng sẽ xuất hiện phân trắng và gan tụy sẽ mất màu.
  • Giai đoạn tôm thả được 1 tháng: Tôm có dấu hiệu còi cọc, kích thước không đồng đều. Nhu cầu ăn thức ăn không tăng mà giảm dần, ruột rỗng, phân đứt khúc, đường ruột tôm cong.
  • Màu sắc tôm có thể chuyển sang trắng đục hay màu sữa.

Mắt tôm xuất hiện đốm đen, cơ và dọc ruột sau tôm cũng chuyển màu đen.

Tôm lệch size khi bị nhiễm bệnh EHP.
Tôm lệch size khi bị nhiễm bệnh EHP.

3.2 Cách kiểm tra tôm nhiễm bệnh EHP

Quan sát các dấu hiệu ngoài cơ thể (mắt, biểu bì cơ, ruôt):

Tôm bị nhiễm bệnh EHP sẽ có lớp biểu bì mỏng. Cơ màu trắng như một biểu hiện của việc tôm đang bị stress. Cuống mắt của tôm xuất hiện các đốm màu đen, trong mô cơ và dọc theo ruột sau tôm.

Dấu hiệu nhận biết bệnh EHP trên tôm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh EHP trên tôm.

Khi EHP lây nhiễm vào các ống của tuyến gan tụy làm bong tróc các tế bào. Vì thế, làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu hoá của tôm. Hệ luỵ tiếp theo là tôm không thể tiêu hóa thức ăn và tái thiết các biểu mô bị hư. Tôm sẽ giảm cảm giác thèm ăn và chậm lớn.

Quan sát đường ruột, kích thước tôm theo ngày nuôi:

Bà con có thể quan sát bằng mắt thường ở 2 giai đoạn sau để nhận biết tôm đang nhiễm bệnh EHP:

  • Sau 20 – 30 ngày tuổi: Tôm chậm lớn, kích thước không đồng đều. Xuất hiện tình trạng mềm vỏ, khả năng ăn giảm sút, ruột rỗng, phân đứt khúc. Đường ruột tôm cong, cơ đục, nhiều đốm trắng, chết rải rác. Một vài con có thể bị ruột xoắn, không chặt chẽ.

Sau khi tôm đạt trọng lượng từ 3 đến 4 gam/con (size 200 con/kg): Tôm chậm lớn cho tới lúc tôm 90 ngày tuổi.

Tôm nhiễm bệnh EHP, đường ruột bị lò xo.
Tôm nhiễm bệnh EHP, đường ruột bị lò xo.

Quan sát thông qua kính hiển vi và phân tích mẫu:

Sau khi quan sát bằng mắt thường và bà con nhận thấy các dấu hiệu tôm bị nhiễm bệnh EHP. Tuy nhiên, lúc này có khả năng tôm đã nhiễm bệnh nặng. Vì thế, bà con cần kiểm tra để đưa ra kết quả sớm và chính xác bằng các cách sau:

  • Có thể kiểm tra bằng cách soi gan và ruột dưới kính hiển vi với độ phóng đại 100 lần.
  • Sử dụng phương pháp PCR để kiểm tra trên mẫu gan. Có thể gửi mẫu tươi, hoặc mẫu cố định trong cồn đến phòng thí nghiệm.
  • Chạy PCR đối với các mẫu phân tôm bố mẹ.

4. GIẢI PHÁP PHÒNG BỆNH EHP TRÊN TÔM THẺ CHÂN TRẮNG

4.1 Cải tạo ao nuôi:

Thực hiện cải tạo ao thật kỹ lưỡng để loại bỏ các mầm bệnh:

  • Đối với ao đất: Cần sên, nạo vét bùn đáy ao, phơi ao 7 – 10 ngày. Bón vôi để ổn định pH nền đáy ao, hạ phèn đất, tiêu diệt mầm bệnh từ vụ nuôi trước. Sau đó rửa ao, dùng Chlorine 30ppm (30kg/1000m3) để diệt khuẩn trước khi cấp nước vào ao.
  • Đối với ao lót bạt: Chà, rửa sạch bạt, phơi nắng, phun khử khuẩn bằng Chlorine từ đáy, bờ và xung quanh ao.
  • Vệ sinh, khử trùng các vật tư trang thiết bị: Quạt nước, thiết bị sục khí, xô, bể ủ vi sinh, vợt,…

4.2 Quản lý chất lượng nước:

  • Ao lắng: Nếu có điều kiện người nuôi nên có ao lắng. Ao lắng giúp quản lý chất lượng nước, loại bỏ chất lơ lửng từ nguồn nước cấp, giảm mầm bệnh. Hạn chế những mối nguy hạn, chủ động được nguồn nước sạch trước khi cấp vào ao nuôi.
  • Thường xuyên xi – phông đáy ao (nếu có điều kiện).
  • Định kỳ 3 – 5 ngày bổ sung chế phẩm vi sinh + men vi sinh: Xử lý đáy ao cải thiện chất lượng nước. 
  • Kiểm soát tảo, xử lý mùn bã hữu cơ, thức ăn thừa. Tăng cường vi sinh có lợi, hạn chế mầm bệnh.

Tham khảo thêm các sản phẩm xử lý môi trường TẠI ĐÂY.

  • Thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng môi trường nước: pH, kH, Fe, O2, NH4/NH3, NO2,…

4.3 Các biện pháp tổng hợp khác:

  • Con giống: Chọn cơ sở sản xuất giống uy tín, chất lượng. Con giống đã được xét nghiệm PCR không mang các mầm bệnh.
  • Thường xuyên quan sát kiểm tra nhá, nhu cầu ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Tránh dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh phát triển.
  • Quan sát, kiểm tra thường xuyên màu sắc tôm, gan tôm, kích cỡ,…
  • Đảm bảo biện pháp an toàn sinh học, tránh tình trạng lây nhiễm chéo mầm bệnh giữa các ao nuôi. Các dụng cụ, trang thiết bị giữa các ao cần sử dụng riêng biệt. Hạn chế người đi lại mang mầm bệnh vào ao nuôi.
  • Bổ sung khoáng, vitamin C, men tiêu hoá, giúp tôm cứng vỏ, tăng sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hoá.
  • Trường hợp phát hiện tôm bị bệnh EHP, nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm bà con có thể tiến hành thu hoạch ngay. Hoặc trường hợp xấu nhất cần tiêu hủy và cải tạo ao thật kỹ để thả vụ nuôi tiếp theo.

Tham khảo thêm các sản phẩm dinh dưỡng và phòng trị bệnh cho tôm TẠI ĐÂY.

Bệnh EHP trên tôm là một căn bệnh gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng khi gặp phải. Bà con cần phải quan sát nắm rõ các dấu hiệu nhận biết, cũng như kiểm tra ao tôm của mình thường xuyên. Mong rằng những kiến thức hữu ích này bà con có thể áp dụng trong quá trình nuôi của mình. Nếu có khó khăn trong quá trình nuôi tôm, bà con có thể liên hệ ngay số hotline 0833 333 355 để được tư vấn chi tiết nhanh nhất.