Không có cách chữa bệnh phân trắng thành công nhất, chỉ có cách chữa phù hợp nhất! Bệnh phân trắng là loại bệnh thường gặp sau giai đoạn tôm được 15 ngày tuổi. Mặc dù không nguy hiểm như các nhóm bệnh thường gặp, nhưng bệnh phân trắng có khả năng lây lan nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và sản lượng của vụ nuôi.

1. Dấu hiệu tôm nhiễm bệnh phân trắng

Về cơ chế gây bệnh, các tác nhân gây bệnh tấn công hệ thống gan tụy và đường ruột làm tổn thương và làm giảm chức năng hoạt động của các cơ quan. Tôm không hấp thu thức ăn, lại bị tấn công bởi các tác nhân cơ hội khác khiến tôm chết. Quan sát hệ thống gan tụy trên tôm bệnh thấy, các tế bào epithelial trong ống gan tụy bị bong tróc, sau đó tập trung lại tại phần nối giữa gan tụy, dạ dày và ruột giữa trước khi bị đẩy ra ngoài.

Bệnh phân trắng (White feces syndrome – WFS) là bệnh tôm thường gặp phải vào giai đoạn 40 – 70 ngày tuổi. Dấu hiệu nhận biết bệnh chính là sự xuất hiện của sợi phân trắng nổi trên bề mặt ao nuôi. Ngoài ra, tôm nhiễm bệnh còn có các triệu chứng sau:

Gan tuỵ và ruột tôm bị nhiễm bệnh phân trắng.
Gan tuỵ và ruột tôm bị nhiễm bệnh phân trắng.

1.1 Mức độ nhiễm bệnh nhẹ:

– Tôm sậm màu, đường ruột bị đứt khúc, ruột lỏng. Khi test khuẩn Vibrio cho ra kết quả mật độ cao (1000cfu/ml).

– Quan sát tôm có dấu hiệu bị đỏ gốc râu, phần đầu ngực, thân, phần phụ.

1.2 Mức độ nhiễm bệnh trung bình:

– Tôm giảm hoặc bỏ ăn ăn 10% – 20%, tăng trưởng chậm.

– Cơ thể tôm phát triển không cân đối, mềm vỏ, ốp thân.

– Phần thịt tôm không đầy vỏ, lột xác dính vỏ, thân nhợt nhạt, vỏ sần sùi.

– Trong vó xuất hiện những đoạn phân màu trắng, trắng đục hoặc vàng đục, phân nhão và dễ nát.

Xuất hiện từng đoạn phân màu trắng hoặc màu nhạt trong ao nuôi.
Xuất hiện từng đoạn phân màu trắng hoặc màu nhạt trong ao nuôi.
Tôm nhiễm bệnh phân trắng thường giảm hoặc bỏ ăn.
Tôm nhiễm bệnh phân trắng thường giảm hoặc bỏ ăn.

1.3 Mức độ nhiễm bệnh nặng:

– Cuối góc ao phân trắng nổi trên mặt nước, gom tụ nhiều.

– Tôm giảm hoặc bỏ ăn >50%.

– Tôm ốp thân và chết rải rác, tỉ lệ hao hụt có thể lên đến 90%.

– Ruột tôm có thể chuyển sang màu vàng hoặc trắng.

– Gan tuỵ mềm nhũn, màu nhợt nhạt.

2. Nguyên nhân gây bệnh phân trắng trên tôm

Có nhiều tác nhân gây ra bệnh phân trắng trên tôm. Tuy nhiên, người nuôi cần xác định đúng nguyên nhân để có thể xây dựng phương án phòng và chữa bệnh hiệu quả. Những nguyên nhân thường gặp như:

2.1 Đặc điểm ao nuôi:

– Những ao có mật độ thả cao, đáy ao dơ, tôm bị nhiễm chất độc từ thuốc bảo vệ thực vật.

– Nồng độ các chất hữu cơ >100ppm.

– Độ kiềm <80ppm hoặc >200ppm.

– Nồng độ Vibrio cao >1 x 102CFU/ml.

– Nồng độ DO <3ppm trong thời gian dài.

– Nhiệt độ cao trên 32 độ.

– Bị tảo tàn trước đó, nồng độ NH3 cao.

2.2 Nguồn thức ăn của tôm:

– Bảo quản thức ăn trong môi trường không tốt hoặc tôm ăn phải nguồn thức ăn kém chất lượng. Thức ăn bị nấm mốc, hư hỏng,… lâu ngày tôm tích độc tố gây bệnh đường ruột, bệnh phân trắng.

Tôm ăn phải thức ăn kém chất lượng dễ mắc bệnh phân trắng.
Tôm ăn phải thức ăn kém chất lượng dễ mắc bệnh phân trắng.

2.3 Nhiễm độc:

– Tôm ăn phải các loại tảo như: tảo lam, tảo giáp,… khiến ruột tôm không tiêu hoá được thức ăn. Ruột không hấp thụ được lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng bị tắc nghẽn, gây bệnh phân trắng.

– Các cấu trúc của nhóm tảo Silica diatom: Do có lớp vỏ cứng sắc nhọn khi chết khiến hệ tiêu hóa tôm bị tổn thương.

– Nhiễm khí độc NH3, H2S, vi bào trùng tử (EHP), ký sinh trùng Gregarine có trong ao nuôi.

2.4 Các nguyên nhân khác:

– Khi phân lập vi khuẩn ở gan tôm thấy nhiều khuẩn nhóm Vibrio như: Vibrio vulnificus, Vibrio cholerae, Vibrio alginolyticus.

– Trong mẫu tôm bệnh phân trắng, có cường độ nhiễm cao với virus gây bệnh còi MBV (Monodon Baculovirus) và virus gây bệnh tụy HPV (HepatopancreaticParvovirus).

3. Cách điều trị bệnh phân trắng trên tôm

Khi phát hiện tôm bị bệnh phân trắng, bà con có thể điều trị bằng cách:

– Ngưng cho tôm ăn từ 1 – 2 ngày, đồng thời chạy quạt để tăng cường oxy đủ cho tôm hô hấp.

– Thay 30% – 50% lượng nước trong ao nuôi (nếu tôm còn khoẻ). Nước được bơm vào đã qua xử lý kỹ, bơm chậm để tránh tôm bị sốc.

– Tiến hành diệt khuẩn, diệt tảo độc trong ao nuôi bằng BKC, Iodine, H2O2, KMnO4. Chọn loại hoá chất phù hợp với tình trạng ao nuôi, liều dùng tuỳ thuộc vào sức khoẻ tôm.

– Giảm nồng độ các chất hữu cơ trong ao. Nếu ao thường xuyên xi phông thì dùng chất lắng tụ rồi xi phông ra ngoài. Trường hợp ao không được xi phông trước đó thì chỉ dùng vi sinh. 

(Lưu ý: Không được làm xáo trộn đáy ao khiến khí H2S bị khuếch tán trong nước gây chết tôm).

– Dùng vi sinh để xử lý nước và đáy ao với liều lượng gấp 3 lần bình thường.

– Trộn xen kẽ cách ngày các nhóm vi sinh tiêu hoá và tỏi (10g/kg) cho tôm ăn.

(Lưu ý: Không trộn tỏi cùng vi sinh để tránh tỏi làm bất hoạt vi sinh).

⇒ Thực hiện đồng bộ các biện pháp trên trong vòng 05 ngày liên tục.

Sử dụng kháng sinh cũng là một biện pháp trị bệnh phân trắng trên tôm. Tuy nhiên, lạm dụng kháng sinh làm tôm chậm lớn, chai còi. Ngoài ra, còn khiến cho vi khuẩn lờn thuốc, giảm tác dụng khi điều trị, bà con hạn chế sử dụng.

4. Biện pháp phòng tránh bệnh phân trắng trên tôm

Để phòng ngừa bệnh phân trắng hiệu quả cần kết hợp nhiều yếu tố như:

Bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất

– Bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết cho tôm để giúp tôm đảm bảo sức khoẻ.

– Bảo quản nguồn thức ăn tốt, lưu trữ ở nơi khô ráo, thoáng mát. Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra chất lượng thức ăn (hạn sử dụng, độ ẩm, độ mốc).

– Bổ sung chất hỗ trợ gan, trộn vào thức ăn hàng ngày, tăng sức đề kháng. Trộn thêm enzyme, vi sinh đường ruột, acid hữu cơ, hỗ trợ tiêu hoá. Xổ ký sinh trùng (KST) thường xuyên, phòng KST cho tôm, giúp tôm tiêu hóa tốt, sinh trưởng nhanh. Nên xổ KST khi tôm khoẻ, dùng hoá chất diệt KST khi xổ ra ngoài môi trường. Dùng hỗ trợ gan, hỗ trợ đề kháng, lợi khuẩn đường ruột cho tôm,.. sau khi xổ KST. 

– Bổ sung vi sinh thường xuyên để duy trì và cân bằng hệ vi khuẩn có lợi trong ao.

Kiểm soát chất lượng ao nuôi

– Kiểm soát tốt các loại tảo độc, độ kiềm trong ao. Không cho tảo phát triển mất kiểm soát, thông qua quản lý nguồn dinh dưỡng nuôi tảo. Đồng thời, nên bổ sung khoáng hữu cơ, Vitamin C, Beta glucan, Premix… cho tôm giống. 

– Kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn Vibrio bằng cách duy trì nồng độ thấp các chất hữu cơ. Xi phông loại bỏ chất thải, sử dụng vi sinh phân huỷ chất hữu cơ ở đáy ao và nước.

Theo dõi nhiệt độ nước và khẩu phần ăn của tôm

– Theo dõi nhiệt độ nước và quản lý tốt khẩu phần ăn của tôm. Cho ăn lượng thức ăn theo nhiệt độ nước: Khi nhiệt độ nước tăng cao > 320C, tôm thường ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, thời gian thức ăn đi qua hệ thống tiêu hóa ngắn làm tăng lượng chất thải trong ao. Nhiệt độ cao cũng làm vi khuẩn phát triển nhanh hơn. Do vậy, khi nhiệt độ nước tăng cao, không tăng lượng thức ăn theo cách kiểm tra thông thường.

– Duy trì hàm lượng oxy hoà tan >5ppm.

Ngoài ra, để quá trình phòng bệnh phân trắng ở tôm đạt hiệu quả. Bà con cần kiểm tra mầm bệnh của tôm trước khi thả giống bằng kỹ thuật sinh học phân tử PCR. Qua đó, loại trừ được những vật chủ có thể mang mầm bệnh trong hệ thống nuôi, vệ sinh nước trước khi cho vào ao nuôi.

Kết luận

Phòng bệnh chủ động giúp tăng cường sức khoẻ tôm. Góp phần hạn chế tối đa bệnh phân trắng xảy ra trong quá trình nuôi. Để điều trị bệnh phân trắng hiệu quả, bà con cần kết hợp nhiều phương án tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh. Bài viết trên Bio Blue Việt Nam đã cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh phân trắng cũng như cách điều trị và phòng tránh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua hotline: 0833 333 355 để được tư vấn chi tiết nhanh nhất.