CÁC CÁCH GIÚP TĂNG ĐỀ KHÁNG TÔM

Khả năng đề kháng là một trong những yếu tố quyết định nguy cơ nhiễm bệnh trên tôm. Nếu đề kháng tôm tốt, khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh cao. Ngược lại, đề kháng tôm kém, tôm sẽ dễ dàng nhiễm bệnh. Do đó, một trong những khâu quan trọng trong kế hoạch phòng bệnh đó chính là tăng đề kháng cho tôm.

1. ĐỀ KHÁNG TÔM QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO?

Đề kháng tôm được xem là tiền đề quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Đề kháng suy giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến tôm chậm lớn. Tình trạng này xảy ra do cơ sở nuôi tôm sử dụng nguồn giống không đạt chất lượng hay lạm dụng sức sinh sản của tôm mẹ quá mức. Đồng thời, việc sử dụng kháng sinh trị bệnh trong ao quá mức cũng ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của tôm.

Bên cạnh đó, tại một số ao nuôi gặp phải tình trạng tôm chậm lớn hay tôm chết rải rác là do sự xuất hiện của các loại vi khuẩn có hại như vi khuẩn Vibrio, vi khuẩn dạng sợi,… Những loại vi khuẩn có hại này sẽ gây ra các mầm bệnh cho nguồn nước, đáy ao cũng như nguồn thức ăn. Từ đó, nguồn tôm giống sẽ giảm chất lượng và vụ nuôi năng suất kém do đề kháng tôm suy giảm. Hậu quả của vấn đề trên chính là tôm bị còi cọc và tốn chi phí lớn cho thức ăn và chữa bệnh.

Có thể nhận thấy rằng, để có được một vụ nuôi bội thu, việc bổ sung thức ăn tăng đề kháng tôm là vô cùng quan trọng.

2. LỰA CHỌN CON GIỐNG:

Việc lựa chọn được con giống tốt, có tính kháng bệnh cao là yếu tố then chốt quyết định đến 50% sự thành công của vụ nuôi. Khi lựa chọn tôm giống để thả nuôi, bà con cần lưu ý các đặc điểm sau:

  • Phải biết rõ nguồn gốc tôm bố mẹ.
  • Tôm giống phải được xét nghiệm PCR, kiểm tra mầm bệnh rõ ràng trước khi thả.

2.1 Đối với tôm sú:

Ưu tiên chọn tôm có nguồn gốc tôm biển. Trọng lượng từ 120g – 150g, hạn chế chọn tôm lột xác và cấy tinh để sinh sản nhiều lần.

2.2 Đối với tôm thẻ chân trắng:

Tôm bố mẹ được nuôi vỗ và cho sinh sản có thời hạn không quá 4 tháng kể từ khi nhập về trại sản xuất. Quy trình nuôi tôm bố mẹ có đầy đủ thức ăn tươi. Không sử dụng kháng sinh, hoá chất để phòng trị bệnh.

2.3 Lựa chọn hình thức thả nuôi

Ngoài ra, việc lựa chọn hình thức thả nuôi cũng có các điểm cần nắm rõ như sau:

Đối với mô hình nuôi quảng canh cải tiến – nuôi tôm sinh thái – nuôi tôm xen ghép:

Nên chọn tôm có kích cỡ lớn, tôm có trạng thái bơi nhanh để phù hợp với điều kiện tự nhiên và chống lại dịch bệnh. 

Đối với mô hình nuôi thả mật độ cao – nuôi ao đất (điều kiện an toàn sinh học chưa cao):

Chọn tôm sú có nguồn gốc bản địa hoặc tôm có nguồn gốc chịu biến đổi môi trường cao. 

Đối với mô hình áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao – Nuôi tôm trải bạc – Nuôi siêu thâm canh:

Tùy theo môi trường thời tiết và mùa vụ nên chọn tôm kháng bệnh đối với tôm thẻ chân trắng. Chọn tôm thân dài, chắc khỏe đối với tôm sú.

Tăng đề kháng tôm giúp chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
Tăng đề kháng tôm giúp chủ động phòng ngừa dịch bệnh.

3. VỆ SINH KỸ AO NUÔI

Trước khi bắt đầu vụ nuôi mới, cần vệ sinh ao nuôi và nguồn nước thật kỹ bằng cách:

3.1 Kiểm tra môi trường ao nuôi

  • Vét sạch bùn, đất dưới ao nuôi sau đó tiến hành rắc vôi, chất khử trùng quanh ao.
  • Để ao khô, phơi nắng trong thời gian tầm 7 – 10 ngày.
  • Nguồn nước lấy vào ao nuôi cần được kiểm tra, đo lường bằng các thiết bị chuyên dụng.
  • Thường xuyên loại bỏ cặn bã, phân tôm và thức ăn dư thừa khỏi ao nuôi để hạn chế ô nhiễm môi trường nước, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

3.2 Bổ sung vi sinh và theo dõi ao nuôi

  • Bổ sung vi sinh vật có lợi cho ao nuôi để cân bằng hệ vi sinh, phân hủy thức ăn dư thừa và cải thiện chất lượng nước.
  • Theo dõi và điều chỉnh các chỉ số nước quan trọng như độ pH, nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan,… Đảm bảo môi trường nước phù hợp cho sự phát triển của tôm.
  • Giữ vệ sinh dụng cụ cho ăn, thức ăn và các thiết bị trong ao nuôi để hạn chế lây lan mầm bệnh.

Biện pháp này giúp làm giảm vi khuẩn đang có trong ao nuôi, diệt mầm bệnh từ lần nuôi trước. Nhằm tạo cho tôm điều kiện sống tốt nhất, bà con nên đầu tư ao lắng. Để kiểm soát chất lượng nguồn nước trước khi cho vào ao nuôi.

Tham khảo thêm các sản phẩm xử lý môi trường TẠI ĐÂY.

Vệ sinh ao nuôi định kỳ cũng là cách giúp tăng đề kháng tôm.
Vệ sinh ao nuôi định kỳ cũng là cách giúp tăng đề kháng tôm.

4. ĐA DẠNG PHƯƠNG THỨC NUÔI:

Trong một ao nuôi hay một khu vực nuôi thì qua quá trình nuôi đã tích luỹ nhiều chất thải và mầm bệnh. Những vật chất dư thừa này sẽ ảnh hưởng và gây bệnh cho các chu kỳ nuôi tiếp theo. Dựa vào các đặc tính mùa vụ của tôm, có thể nuôi xen canh trên một ao. Giúp cho các đối tượng mới không bị nhiễm mầm bệnh của chu kỳ nuôi trước và chúng có thể tiêu diệt được mầm bệnh đó.

Ví dụ, sau một chu kỳ nuôi tôm, nên nuôi cá rô phi hoặc trồng rong câu bởi chúng có thể dọn và làm giảm các mầm bệnh trong đáy ao. Vì những mầm bệnh virus ở tôm không gây bệnh cho cá rô phi và rong câu.

5. CHO ĂN HỢP LÝ

Lựa chọn thức ăn phù hợp, chất lượng đảm bảo góp phần giúp tôm tăng trưởng thuận lợi. Người nuôi cần lựa chọn thức ăn phù hợp với nhu cầu của tôm cũng như các tiêu chí của từng trang trại. 

Đồng thời, việc cho tôm ăn cần phải cân nhắc dựa trên đặc điểm của từng loại tôm như:

  • Nhu cầu đạm.
  • Tập tính bắt mồi.
  • Mức độ vận động.
  • Đường ruột tôm.
  • Hệ thống miễn dịch.
  • Hoạt động lột xác,…

Người nuôi cần theo dõi các yếu tố môi trường để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Tránh tình trạng cho ăn dư thừa, gây ô nhiễm nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh phát triển.

Cung cấp lượng thức ăn phù hợp với mật độ nuôi và giai đoạn phát triển của tôm, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước.
Cung cấp lượng thức ăn phù hợp với mật độ nuôi và giai đoạn phát triển của tôm, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước.

Ngoài ra, tôm thường bơi ngược dòng nước và di chuyển rộng ở khu vực cho ăn. Do đó, cần rải thức ăn theo dòng nước chảy và rải đều ở khu vực cho ăn để tôm bắt mồi dễ dàng. Điều này giúp cho tôm ăn đều, kích cỡ tôm cũng được đồng đều hơn. Khu vực gom chất thải cần được đánh dấu, tránh cho ăn ở nơi có nền đáy không sạch, khí độc ảnh hưởng đến tôm.

Rải thức ăn gần quạt nước giúp tôm dễ bắt mồi, ăn đều, phát triển đồng kích cỡ.
Rải thức ăn gần quạt nước giúp tôm dễ bắt mồi, ăn đều, phát triển đồng kích cỡ.

6. SỬ DỤNG CÁC CHẤT BỔ SUNG:

Ngoài việc đảm bảo các yếu tố trên, việc bổ sung thêm các khoáng chất, vitamin cần thiết giúp tăng đề kháng tôm cũng là một phương pháp tối ưu. Bà con có thể bổ sung thêm các chất như:

6.1 Men vi sinh

Men vi sinh hay còn gọi là chế phẩm sinh học. Chứa các thành phần là các vi sinh vật sống có lợi, giúp tăng cường hệ vi sinh đường ruột. Nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể vật chủ chống lại vi khuẩn gây bệnh. Các giống vi sinh vật được sử dụng phổ biến nhất là: Lactobacillus sp, Bacillus sp, Enterococcus, Saccharomyces,… Tuy nhiên, mỗi nhóm vi sinh vật sẽ có một công dụng, vật chủ và cách dùng khác nhau. Do đó, việc sử dụng đúng là lựa chọn loại probiotics phù hợp với công dụng của từng chủng vi sinh.

6.2 Vitamin C

Tôm là loài động vật biến nhiệt, thay đổi nhiệt độ rất lớn phụ thuộc vào môi trường. Đặc điểm này làm cho tôm không có khả năng tổng hợp vitamin trong cơ thể, khiến lượng vitamin không đủ. 

Chính vì vậy, việc bổ sung vitamin C cho tôm được xem là việc cần thiết nhằm hỗ trợ sinh trưởng, tăng cường đề kháng tôm và kháng bệnh. Bà con nên bổ sung thường xuyên vitamin C cho tôm khi thời tiết thay đổi hoặc xung quanh ao nuôi có dịch bệnh. Liều lượng bổ sung phụ thuộc vào tuỳ loại vitamin C, chủ yếu khoảng 500 – 1000mg/kg thức ăn.

Lưu ý: Không kết hợp sử dụng vitamin C với kháng sinh, sẽ làm mất tác dụng của vitamin C.

6.3 Beta Glucan

Hợp chất Beta Glucan (hay β-glucan) được dùng trong ao nuôi tôm với vai trò như một chất kích thích hệ miễn dịch cho tôm. Hợp chất này có tác dụng tăng đề kháng tôm, giúp tôm chống chọi lại các nhóm vi khuẩn gây bệnh và thậm chí có chức năng ngăn chặn sự tác động của virus đốm trắng lên sức khỏe tôm.

 Thông thường, các hợp chất với chiết xuất từ Beta Glucan được dùng như một loại thức ăn tăng đề kháng cho tôm. Giúp giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, kích thích tiêu hoá, phòng bệnh đường ruột, nhiễm trùng do vi khuẩn, virus.

6.4 Nucleotides

Nucleotides được chiết xuất chủ yếu từ trong tế bào nấm men. Trong một số thí nghiệm gần đây, Nucleotides được chỉ ra rằng có khả năng hỗ trợ tăng cường trao đổi chất. Và hỗ trợ tăng trưởng tối ưu khi bổ sung vào chế độ ăn uống cho tôm. Mặt khác, Nucleotides có vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển đầu của tôm và tăng cường sức đề kháng.

Ngoài ra, Nucleotides còn có một số chức năng khác như cải thiện tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng. Và tăng hiệu suất sinh sản ở tôm.

6.5 Tỏi

Tỏi là một loại kháng sinh mạnh trong tự nhiên. Được ứng dụng phổ biến trong nuôi tôm và được dùng làm thức ăn tăng đề kháng tôm. Trong tỏi có chứa Allin (một loại axit hữu cơ) khi nghiền sẽ kết hợp cùng enzym Allinase. Để tạo thành Allicin với khả năng kháng khuẩn, chống nấm. Tỏi hoạt động bằng cách ức chế tổng hợp Protein, DNA và RNA. Từ đó, kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật có hại.

Tỏi được sử dụng trong nuôi tôm như một loại kháng sinh. Mà vẫn đảm bảo an toàn, chất lượng và năng suất của vụ nuôi.

Ngoài các thức ăn tăng đề kháng cho tôm kể trên, bà con cũng có thể sử dụng các hợp chất có nguồn gốc từ thực vật như các loại thảo dược như gừng, nghệ, me rừng, cỏ gà,… để kích thích miễn dịch hiệu quả cho tôm.

Tham khảo thêm các sản phẩm dinh dưỡng và phòng trị bệnh cho tôm TẠI ĐÂY.

Bổ sung các loại thức ăn tăng đề kháng tôm có vai trò quan trọng đến chất lượng vụ nuôi. Nếu bà con có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình nuôi tôm, cần tư vấn và hỗ trợ thêm, hãy liên hệ ngay số hotline 0833 333 355 để được tư vấn chi tiết nhanh nhất.